Cập nhật: 0:23, 30/11/2017
5968 lượt đọc

PHỤ NỮ VIỆT NAM XƯA VÀ NAY

SỐ PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI PHONG KIẾN

             Trong xã hội phong kiến, thân phận người phụ nữ luôn bị xem nhẹ, coi thường, bị ràng buộc bởi đạo đức khắt khe, bị áp chế bởi luật lệ bất công. Nguyên nhân chính là do hệ tư tưởng Nho giáo chi phối mọi mặt đời sống xã hội. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến chịu nhiều thiệt thòi bởi thiết chế xã hội: Thụ động, phụ thuộc, không có điều kiện để học tập, không có cơ hội để phát huy khả năng sáng tạo, cống hiến cho xã hội... Mọi hành vi và cả tư tưởng của người phụ nữ trong xã hội cũ đều tuân theo lễ giáo phong kiến “tam tòng, tứ đức”.

Số phận và cuộc đời người phụ nữ được ghi lại trong sử sách và ca dao tục ngữ:

 

Thân em như dải lụa đào.

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Hay như:

Thân em như hạt mưa sa.

Hạt vào đài các, hạt ra cánh đồng.

          ­­­­­­

Sự bất công đối với người phụ nữ làm cho thi sĩ Hồ Xuân Hương cũng phải thốt lên:

                             Ví đây đổi phận làm trai được

                             Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.

 

BÁC HỒ VỚI SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ

           Giải phóng phụ nữ là một bộ phận trong sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc mà lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm.

Từ năm 1912, với tên là Nguyễn Tất Thành rời nước Pháp làm thuê cho tàu buôn Sác-Giơ Rêuyni đi vòng quanh Châu Phi, có dừng lại ở một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuyniđi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan..., ngày 15/12/1912, Bác đến Niu Oóc nước Mỹ. Tại đây Bác vừa đi làm thuê để lấy tiền kiếm sống vừa tranh thủ giờ nghỉ để học tập và thăm các danh thắng.

Đến thăm Tượng thần tự do, Bác đã ghi cảm tưởng: "Ánh sáng trên đầu thần tự do toả rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng thần tự do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người đấu tranh da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?".

           Năm 1930, khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, chính Người với tên là Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Quốc tế cộng sản và Đảng cộng sản Việt Nam ra lời kêu gọi: "Hỡi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh, chị em bị áp bức bóc lột". Từ nay anh chị em chúng ta cần gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để: Thực hiện mười điều mà điều thứ mười là: "Thực hiện nam nữ bình quyền".

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang đến cho người phụ nữ Việt Nam một món quà vô giá.Nhà nước chính thức khẳng định quyền bình đẳng không phân biệt giới tính nam nữ. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Bác Hồ đã giới thiệu vào Quốc hội khoá I của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà một số chị em tiêu biểu như: Bà giáo sư Nguyễn Thị Thục Viên, bà Tôn Thị Quế... Từ đó đội ngũ cán bộ nữ tham gia vào cơ quan lãnh đạo các cấp từ trung ương đến cơ sở ngày càng đông, đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

           Ngày 08/03/1952, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Bác đã gửi thư cho chị em trong nước và chị em kiều bào ngoài nước.

Bác viết : "Hai Bà Trưng đã để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến. Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế giúp phụ nữ Việt Nam bồi dưỡng truyền thống ấy, hăng hái đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà Trưng và là lực lượng trong quốc tế phụ nữ".

Nhân dịp này Người còn "Kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sỹ đã hi sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sỹ”. Gần cuối bức thư Người khẳng định: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Sau này mỗi dịp đến công tác ở địa phương Bác luôn quan tâm đến chị em phụ nữ. Vào thăm nhà máy cơ khí, thấy cô công nhân để bộ tóc dài, Bác ra hiệu dừng máy, đến gần ân cần nhắc: "Cháu là gái khi lao động phải vận tóc lên, đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn: "Bộ tóc là góc con người". Khi đoàn phụ nữ miền Nam vượt Trường Sơn ra thăm Bác, các chị được Bác đón tiếp thân tình. Thấy các chị gầy, xanh, hốc hác, Bác hỏi: “Các cháu kinh nguyệt có đều không?".

Các chị xúc động đến ứa nước mắt. Một chị nhẹ nhàng thưa với Bác như đứa con nói riêng với mẹ: "Thưa Bác! do điều kiện ăn uống, vệ sinh kham khổ, thiếu thốn nên chúng cháu... rất thất thường”.

          Đôi mắt Bác ứa lệ nói với bác sỹ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế cùng tiếp khách với Bác: "Chú phải tìm cách trông nom chạy chữa cho các cô ấy, kinh nguyệt là biểu hiện xuất sắc của người phụ nữ, là điều kiện đảm bảo hạnh phúc của đời người và bảo tồn nòi giống".

          Có lần đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá ra làm việc với Bác xin chụp ảnh lưu niệm, Bác không đồng ý và bảo: "Khi nào các chú ra làm việc với Bác có đại biểu phụ nữ thì Bác mới chụp ảnh lưu niệm".

Đúng như nhà sử học Mỹ bà Gi-xen-tơn trong bài viết: "Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử của sự tiến bộ của phụ nữ” đã nhận xét: "Chỉ có Hồ Chí Minh đã luôn luôn bộc trực về quyền bình đẳng của phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như của nam giới; chỉ Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa".

 

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG THỜI ĐẠI HIỆN NAY

           Người phụ nữ Việt Nam ngày nay, một điều chắc chắn được khẳng định rằng: Vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng nâng cao và có đóng góp ngày một lớn cho sự phát triển chung trên mọi lĩnh vực.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược Mỹ, người phụ nữ đảm đương rất nhiều vai trò, là người mẹ, người vợ thương con chờ chồng, thầm lặng hy sinh tất cả cho ngày chiến thắng, là người chiến sĩ xung phong nơi mưa bom bão đạn kẻ thù, đối mặt với cái chết vẫn không nao núng tinh thần. Ở phương diện nào, người phụ nữ cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tạc vào lịch sử dân tộc một hình tượng cao quý và ngời sáng. Người phụ nữ, ở mỗi thời đại bộc lộ những đặc điểm khác nhau do lịch sử đòi hỏi, thiết nghĩ chỉ với một đặc tính cố hữu của mình: nhân hậu, thủy chung trong vai trò người mẹ, người vợ, người chị, là chất cô kết và gìn giữ hạnh phúc gia đình – cũng đã xứng đáng được tôn vinh là những con người đẹp nhất.

            Trong cuộc sống hôm nay, ngoài việc thực hiện thiên chức của mình đối với gia đình, người phụ nữ đang dần chủ động tạo lập cho mình thế bình đẳng trong so sánh với nam giới.Đây là một việc làm hoàn toàn chính đáng trong xu thế xã hội hiện đại văn minh, tiến bộ. Lại thêm một lần nữa, đối tượng luôn bị coi là phái yếu biết phát huy chính mình, dùng sức mình làm thay đổi hành vi và nhận thức của toàn xã hội. Và thực sự, người phụ nữ đã làm được điều này và giành chiến thắng nhất định trong nỗ lực không mệt mỏi.Người phụ nữ ngày nay đang làm dày thêm nền tảng truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam và của cả dân tộc.

Tuy nhiên, cho đến nay ý thức bảo thủ của Nho giáo được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ vẫn tiếp tục chi phối các mối quan hệ người đàn ông vẫn tiếp tục đi sớm về muộn, có thể tham gia bất kỳ cuộc vui nào để cũng rong chơi với rượu, bia và hát mãi khúc ca “trăm năm bia đá cũng mòn, bia chai cũng vỡ chỉ còn bia ôm”... trong khi ấy chắc chắn gia đình sẽ tan vỡ nếu vài ba lần người phụ nữ đi chơi về nhà hơi khuya một chút; phụ nữ vẫn phải nhường nhịn, hy sinh cho chồng nhiều hơn những gì họ đáng được hưởng và tiếp tục buồn tủi trước sự ích kỷ, ngạo mạn của đàn ông nói chung, mặc dù trong xã hội hiện nay các Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Gia đình hạnh phúc 20/3 luôn được tổ chức trang trọng và hân hoan trên những bàn nhậu mà chiếm đa số thường là đàn ông... Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Quốc hội nước ta thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007 để đảm bảo pháp luật sẽ trừng trị cả chồng, hoặc vợ nếu thể hiện hành động bạo lực trong gia đình nhưng chắc chắn một điều rằng thiệt thòi vẫn thuộc về phụ nữ như nó vẫn thế từ lâu rồi

Các cấp, các ngành liên quan cần xây dựng được hệ tiêu chí chính xác, cụ thể về người phụ nữ hiện đại.Có chiến lược tuyên truyền về hình ảnh những người phụ nữ này trên các phương tiện thông tin đại chúng.Trước mắt, mỗi địa phương cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về những phẩm chất của người phụ nữ hiện đại gắn với đặc thù phụ nữ địa phương mình. Quá trình đó cần làm nổi bật những giá trị tốt đẹp cần được phát huy từ người phụ nữ truyền thống, đồng thời nhân lên những phẩm chất tốt đẹp mới của người phụ nữ hiện đại, kết hợp với phê phán những biểu hiện không đúng, không phù hợp trong nhận thức về người phụ nữ ngày nay.

 

 

 

          Đất nước sẽ tiếp tục phát triển, địa vị của người phụ nữ chắc chắn rồi cũng khác xưa, ngày càng gia tăng theo tốc độ phát triển của nền văn minh, được coi trọng và bình đẳng với nam giới, họ đã khẳng định một điều chắc chắn rằng  họ có thể gánh vác những trọng trách lớn của đất nước của gia đình và mọi vấn đề khác trong xã hội như các bà: Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam  và còn rất nhiều người nữa.

 

 

         Trong rất nhiều gia đình Việt Nam hiện nay người phụ nữ đã có một vị trí đáng kể về mặt thu nhập kinh tế, họ ít khi là lao động chính, vai trò đóng góp về kinh tế có thể là không nhiều nhưng khả năng “tích lũy” và “cầm giữ” là vấn đề trọng yếu của họ trong bài toán thu - chi của cuộc đời. Ước muốn thay đổi cái cũ đã nhàm chán là thuộc tính muôn đời nhưng chỉ đến bây giờ người phụ nữ mới thực sự có phương tiện hiệu quả và cần thiết.

           Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 107 ngày Quốc tế phụ nữ và kỷ niệm lần thứ 127 ngày sinh Bác Hồ, nhắc lại những điều này giúp chúng ta suy nghĩ và hành động góp phần vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng là cách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Tác giả: Trần Thị Hảo - Giáo viên
Tin mới nhất
Đọc nhiều nhất
phần mềm tác nghiệp
Bản đồ vị trí
Liên kết website
Thống kê truy cập
Online: 2
Hôm nay: 3
Hôm qua: 69
Tháng này: 2,086
tháng trước: 2,050
Năm học 2023-2024 :
Cổng thông tin Trường Mầm Non Định Trung
Địa chỉ: Định Trung - Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc
Tel : 0211.3844821
Email : c0dinhtrung.vinhyen@vinhphuc.edu.vn
Website:http://mndinhtrung.vinhphuc.edu.vn
Thiết kế bởi : Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và CGCN Việt Nam
Địa chỉ : 62 Trần Bình - Phường Mai Dịch - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
Tel : 19006038 - (04) 73056038
Email: c0dinhtrung.vinhyen@vinhphuc.edu.vn